Xin chào! Welcome!

Vui lòng chọn ngôn ngữ của website.

Please select your preferred language.

MỤC ĐÍCH

Chính sách này (“Chính Sách”) mô tả cam kết của Vietnam Children’s Fund (“VCF SE”) trong việc bảo vệ trẻ em và sự an toàn cho các cá nhân chưa thành niên nói chung bằng mọi cách có thể. Mục đích của Chính Sách là nhằm đảm bảo rằng trẻ em – những người được phục vụ bởi các chương trình của VCF SE được đảm bảo an toàn trước mọi hành vi lạm dụng/xâm hại, nguy cơ hoặc tổn hại thực tế từ Nhân Viên, Khách Mời và/hoặc Người Đại Diện của VCF SE thông qua tất cả các chương trình, hoạt động vận hành, các chiến dịch hoặc những hoạt động diễn ra ở bất kỳ thời điểm hay địa điểm nào.

PHẠM VI

Chính Sách này áp dụng cho tất cả Nhân Viên, Khách Mời và Người Đại Diện của VCF SE ở mọi thời điểm hoặc địa điểm, bao gồm các hoạt động được xem là nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng của VCF SE. Cụ thể:

Khách Mời (1)

Bao gồm bất kỳ người nào không phải là Nhân Viên, không phải Người Đại Diện cho VCF SE, được VCF SE mời đến các chương trình hoặc tham dự một sự kiện hoặc hoạt động do VCF SE tài trợ hoặc thực hiện.

Nhân Viên và Người Đại Diện 

Bao gồm người lao động, tình nguyện viên, thực tập sinh, chuyên gia tư vấn, thành viên Hội đồng quản trị, Đối tác và những người khác thay mặt cho VCF SE làm việc với trẻ em, đến thăm các chương trình của VCF SE hoặc những người có quyền truy cập Dữ Liệu Cá Nhân Nhạy Cảm của trẻ em trong các chương trình của VCF SE. 

ĐỊNH NGHĨA

Trẻ em

Người dưới 18 tuổi. (2)

Các quyền của trẻ em được pháp luật bảo vệ

  1. Quyền sống
  2. Quyền được khai sinh và có quốc tịch
  3. Quyền được chăm sóc sức khỏe
  4. Quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng
  5. Quyền được giáo dục, học tập và phát triển năng khiếu
  6. Quyền vui chơi, giải trí
  7. Quyền giữ gìn, phát huy bản sắc
  8. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo
  9. Quyền về tài sản
  10. Quyền bí mật đời sống riêng tư
  11. Quyền được sống chung với cha, mẹ
  12. Quyền được đoàn tụ, liên hệ và tiếp xúc với cha, mẹ
  13. Quyền được chăm sóc thay thế và nhận làm con nuôi
  14. Quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục
  15. Quyền được bảo vệ để không bị bóc lột sức lao động
  16. Quyền được bảo vệ để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc
  17. Quyền được bảo vệ để không bị mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt
  18. Quyền được bảo vệ khỏi chất ma túy
  19. Quyền được bảo vệ trong tố tụng và xử lý vi phạm hành chính
  20. Quyền được bảo vệ khi gặp thiên tai, thảm họa, ô nhiễm môi trường, xung đột vũ trang
  21. Quyền được bảo đảm an sinh xã hội
  22. Quyền được tiếp cận thông tin và tham gia hoạt động xã hội
  23. Quyền được bày tỏ ý kiến và hội họp
  24. Quyền của trẻ em khuyết tật
  25. Quyền của trẻ em không quốc tịch, trẻ em lánh nạn, tị nạn

Bảo vệ trẻ em (3)

Là việc thực hiện các biện pháp phù hợp để đảm bảo trẻ em được sống an toàn, khỏe mạnh, lành mạnh, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi lạm dụng, xâm hại trẻ em; trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Chính Sách Phúc Lợi Cho Trẻ Em

Là các quy định, chính sách riêng được ban hành nhằm đảm bảo phúc lợi Chế độ phúc lợi của trẻ em, tạo ra một cộng đồng trẻ em khỏe mạnh về cả sức khỏe thể chất lẫn sức khỏe tinh thần, hạnh phúc và an toàn của trẻ em. Nó bao gồm các khiếu nại về lạm dụng trẻ em xảy ra bên ngoài VCF SE và/hoặc được luật pháp hoặc các quy tắc địa phương yêu cầu phải được báo cáo cho chính quyền địa phương cơ quan có thẩm quyền tại địa phương, nó có thể bao gồm các cáo buộc lạm dụng, xâm hại trẻ em của gia đình, xã hội hoặc tổ chức.

Hành vi bị cấm

Là tất cả những hành vi xâm phạm đến quyền của trẻ em được quy định tại Chính Sách này, bao gồm nhưng không giới hạn ở:

  1. Tước đoạt quyền sống của trẻ em.
  2. Bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.
  3. Xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em.
  4. Tổ chức, hỗ trợ, xúi giục, ép buộc trẻ em tảo hôn.
  5. Sử dụng, rủ rê, xúi giục, kích động, lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc trẻ em thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác.
  6. Cản trở trẻ em thực hiện quyền và bổn phận của mình.
  7. Không cung cấp hoặc che giấu, ngăn cản việc cung cấp thông tin về trẻ em bị xâm hại hoặc trẻ em có nguy cơ bị bóc lột, bị bạo lực cho gia đình, cơ sở giáo dục, cơ quan, cá nhân có thẩm quyền.
  8. Kỳ thị, phân biệt đối xử với trẻ em vì đặc điểm cá nhân, hoàn cảnh gia đình, giới tính, dân tộc, quốc tịch, tín ngưỡng, tôn giáo của trẻ em.
  9. Bán cho trẻ em hoặc cho trẻ em sử dụng rượu, bia, thuốc lá và chất gây nghiện, chất kích thích khác, thực phẩm không bảo đảm an toàn, có hại cho trẻ em.
  10. Cung cấp dịch vụ Internet và các dịch vụ khác; sản xuất, sao chép, lưu hành, vận hành, phát tán, sở hữu, vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh xuất bản phẩm, đồ chơi, trò chơi và những sản phẩm khác phục vụ đối tượng trẻ em nhưng có nội dung ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em.
  11. Công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em.
  12. Lợi dụng việc nhận chăm sóc thay thế trẻ em để xâm hại trẻ em; lợi dụng chế độ, chính sách của Nhà nước và sự hỗ trợ, giúp đỡ của tổ chức, cá nhân dành cho trẻ em để trục lợi.
  13. Đặt cơ sở dịch vụ, cơ sở sản xuất, kho chứa hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, độc hại, có nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ gần cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, cơ sở giáo dục, y tế, văn hoá, điểm vui chơi, giải trí của trẻ em hoặc đặt cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa, điểm vui chơi, giải trí của trẻ em gần cơ sở dịch vụ, cơ sở sản xuất, kho chứa hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, độc hại, có nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ.
  14. Lấn chiếm, sử dụng cơ sở hạ tầng dành cho việc học tập, vui chơi, giải trí và hoạt động dịch vụ bảo vệ trẻ em sai mục đích hoặc trái quy định của pháp luật.
  15. Từ chối, không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, không kịp thời việc hỗ trợ, can thiệp, điều trị trẻ em có nguy cơ hoặc đang trong tình trạng nguy hiểm, bị tổn hại thân thể, danh dự, nhân phẩm.

Dữ liệu cá nhân nhạy cảm (4)

Dữ liệu cá nhân nhạy cảm là dữ liệu cá nhân gắn liền với quyền riêng tư của cá nhân mà khi bị xâm phạm sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân gồm:

  1. Quan điểm ​​chính trị, quan điểm tôn giáo;
  2. Tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án, không bao gồm thông tin về nhóm máu;
  3. Thông tin liên quan đến nguồn gốc chủng tộc, nguồn gốc dân tộc;
  4. Thông tin về đặc điểm di truyền được thừa hưởng hoặc có được của cá nhân;
  5. Thông tin về thuộc tính vật lý, đặc điểm sinh học riêng của cá nhân;
  6. Thông tin về đời sống tình dục, xu hướng tình dục của cá nhân;
  7. Dữ liệu về tội phạm, hành vi phạm tội được thu thập, lưu trữ bởi các cơ quan thực thi pháp luật;
  8. Thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, các tổ chức được phép khác, gồm: thông tin định danh khách hàng theo quy định của pháp luật, thông tin về tài khoản, thông tin về tiền gửi, thông tin về tài sản gửi, thông tin về giao dịch, thông tin về tổ chức, cá nhân là bên bảo đảm tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán;
  9. Dữ liệu về vị trí của cá nhân được xác định qua dịch vụ định vị;
  10. Dữ liệu cá nhân khác được pháp luật quy định là đặc thù và cần có biện pháp bảo mật cần thiết.

Xâm hại trẻ em (5)

Là hành vi mà các cá nhân, tổ chức hoặc quy trình làm hoặc không làm một cách trực tiếp hoặc gián tiếp gây hại cho trẻ em hoặc làm tổn hại đến triển vọng phát triển một cách an toàn và lành mạnh của các em khi trưởng thành. Gây tổn về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm của trẻ em dưới các hình thức bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và các hình thức gây tổn hại khác.

Xâm hại tình dục trẻ em (6)

Là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ trẻ em tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục, bao gồm hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với trẻ em và sử dụng trẻ em vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức. 

Xâm hại tình dục trẻ em không chỉ bị giới hạn ở những tiếp xúc cơ thể mà bao gồm tất cả các hình thức bạo lực và cưỡng bức sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, gạ gẫm tình dục, thao túng hoặc sử dụng các thủ đoạn để trẻ tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục bao gồm loạn luân, cưỡng bức trẻ tảo hôn, cưỡng hiếp, tham gia hoặc tiếp xúc với hình ảnh/video không đứng đắn (hay còn gọi là nội dung khiêu dâm), nô lệ tình dục/buôn người và hiếp dâm, cưỡng dâm, dâm ô, và các tội khác theo quy định pháp luật. Xâm hại tình dục có thể bao gồm nhưng không giới hạn ở hành vi sờ soạng, đụng chạm hoặc tiếp xúc khiếm nhã, ngôn ngữ khiêu dâm đối với trẻ em và “Chăn dắt tình dục trẻ em”. Xâm hại tình dục trẻ em không chỉ bị giới hạn ở những tiếp xúc cơ thể.

Bóc lột tình dục trẻ em

Là bất kỳ hành vi lạm dụng nào dù đã cấu thành trên thực tế hoặc ở dạng xâm hại chưa đạt đối với một người ở vị thế dễ bị tổn thương, người bị phụ thuộc vào quyền lực hoặc sự tin tưởng đặc biệt cho các mục đích xâm hại tình dục, bao gồm nhưng không giới hạn thông qua việc thu được lợi ích về mặt tiền bạc, lợi thế về địa vị xã hội hoặc chính trị từ việc bóc lột tình dục của các nạn nhân. Cần nhận thức rằng công nghệ đôi khi là một công cụ được sử dụng để lợi dụng, bóc lột tình dục ở trẻ em. Việc bóc lột và xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi không chỉ là hành vi lạm dụng, xâm hại trẻ em nói chung mà còn vi phạm quy tắc ứng xử. Các hành vi này cũng có thể cấu thành tội hình sự, tùy thuộc vào độ tuổi thành niên, luật pháp và phong tục địa phương.

Dâm ô trẻ em (7)

Là hành vi của những người cùng giới tính hoặc khác giới tính tiếp xúc về thể chất trực tiếp hoặc gián tiếp qua lớp quần áo vào bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể của trẻ em có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục, gồm một trong các hành vi sau đây:

  1. Dùng bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm tiếp xúc (ví dụ: đụng chạm, cọ xát, chà xát…) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác của trẻ em;
  2. Dùng bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: tay, chân, miệng, lưỡi…) tiếp xúc (ví dụ: vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm…) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của trẻ em;
  3. Dùng dụng cụ tình dục tiếp xúc (ví dụ: đụng chạm, cọ xát, chà xát…) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của trẻ em;
  4. Dụ dỗ, ép buộc trẻ em dùng bộ phận khác trên cơ thể của họ tiếp xúc (ví dụ: vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm…) với bộ phận nhạy cảm của người phạm tội hoặc của người khác;
  5. Các hành vi khác có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục (ví dụ: hôn vào miệng, cổ, tai, gáy… của trẻ em).

Trình diễn khiêu dâm (8)

Hành vi dùng cử chỉ, hành động, lời nói, chữ viết, ký hiệu, hình ảnh, âm thanh nhằm kích thích tình dục trẻ em; phô bày bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, khỏa thân, thoát y hoặc thực hiện các động tác mô phỏng hoạt động tình dục (bao gồm giao cấu, thủ dâm và các hành vi tình dục khác) dưới mọi hình thức.

Bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em (9)

Là hành vi của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em. Bao gồm nhưng không giới hạn ở việc không cung cấp đủ thức ăn, đủ quần áo và/hoặc chỗ ở phù hợp theo mùa; không ngăn chặn được các mối nguy hại; không đảm bảo sự giám sát đầy đủ; không đảm bảo tiếp cận với dịch vụ chăm sóc hoặc điều trị y tế thích hợp hoặc cung cấp phương pháp điều trị y tế không phù hợp (ví dụ: dùng thuốc khi không được chỉ định); hoặc không cung cấp được một môi trường an toàn (ví dụ: tiếp xúc với bạo lực, không an toàn về sự thiết kế hay sắp đặt vị trí, chỗ ngủ, giao trẻ cho người thành niên không được ủy quyền, tiếp cận vũ khí hoặc đồ vật/vật thể có hại, thiếu hoặc không có hành động tạo ra một môi trường hoặc các vật tiếp xúc an toàn cho trẻ em, giảm thiểu tối đa mọi nguy cơ bao gồm cả tiềm ẩn với một không gian mà trẻ sẽ sử dụng, vui chơi, hoạt động…, v.v.).

Bóc lột trẻ em (10)

Là hành vi bắt trẻ em lao động trái quy định của pháp luật về lao động; trình diễn hoặc sản xuất sản phẩm khiêu dâm; tổ chức, hỗ trợ hoạt động du lịch nhằm mục đích xâm hại tình dục trẻ em; cho, nhận hoặc cung cấp trẻ em để hoạt động mại dâm và các hành vi khác sử dụng trẻ em để trục lợi.

Hành vi xâm phạm dù đã cấu thành trên thực tế hoặc ở dạng xâm hại/lạm dụng chưa đạt đối với một người ở vị thế dễ bị tổn thương, người bị phụ thuộc vào quyền lực hoặc sự tin tưởng đặc biệt của nạn nhân cho việc trục lợi cá nhân vì địa vị, quyền lực, đặc quyền hoặc sự giàu có của kẻ bóc lột (thông qua dụ dỗ, thao túng, cưỡng bách hoặc thủ đoạn, lừa gạt) để thuê mướn trẻ em trong lao động, trở thành nô dịch trong các công việc gia đình, ép buộc thực hiện hành vi phạm tội, tham gia chiến đấu, cấy ghép hoặc mổ cướp nội tạng. Thông thường, kẻ bóc lột trẻ em thực hiện các thủ đoạn trên để trục lợi về mặt tiền bạc, địa vị xã hội hoặc khía cạnh chính trị. Những sự bóc lột này có thể xảy ra với một hoặc một nhóm trẻ em, trong cộng đồng nơi các em sinh sống, hay vượt ra khỏi đó, hoặc trên bình diện quốc tế. Việc bóc lột trẻ em có thể bao gồm nhưng không giới hạn ở:

  • Nô dịch;
  • Cưỡng bức lao động;
  • Móc túi, ăn xin, vận chuyển ma túy, sản xuất ma túy, buôn bán hàng lậu;
  • Bị sử dụng như công cụ để gian lận lợi ích;
  • Bị buộc tham gia vào băng đảng, băng nhóm tội phạm; và
  • Các hành vi có tính chất tương tự khác.
Chăn dắt tình dục trẻ em

 

Quá trình người thành niên xây dựng mối quan hệ (thực hiện hành vi “săn mồi”) với trẻ em hoặc người chăm sóc trẻ em hòng giành lấy sự tin tưởng của đứa trẻ hoặc người chăm sóc cho các mục đích lạm dụng/xâm hại tình dục và/hoặc bóc lột trẻ em. “Sự chăn dắt” thường diễn ra theo từng giai đoạn và nó có thể diễn ra theo cách trực tuyến hoặc mặt đối mặt, bởi một kẻ lạ mặt hoặc một người nào đó mà đứa trẻ hoặc người chăm sóc mà chúng quen biết. Đây là một quá trình diễn ra từ từ, từng bước một nên đôi khi rất khó để phát giác. Dưới đây là một số dấu hiệu cho thấy một người lớn có thể đang trong quá trình “chăn dắt” một đứa trẻ hoặc người chăm sóc của em bé trai hoặc em bé gái đó:

  • Ưu ái đứa trẻ đó (đứa trẻ mục tiêu của việc “chăn dắt”) hơn những đứa trẻ khác.
  • Cung cấp cho đứa trẻ đó những phần thưởng hoặc những đặc ân, đặc quyền.
  • Cô lập, tách đứa trẻ với những người khác.
  • Thể hiện sự quan tâm đến một đứa trẻ đặc biệt dễ bị tổn thương hoặc cần được hỗ trợ (ví dụ, trước đó đứa trẻ là nạn nhân của sự xâm hại bởi một người khác).
  • Kết bạn với cha mẹ hoặc người chăm sóc, những người có trách nhiệm bảo vệ, che chở đứa trẻ.
  • Cho trẻ uống rượu hoặc sử dụng thuốc cấm, ma túy.
  • Xây dựng sự thân mật (nghĩa là có những câu chuyện bông đùa chỉ nạn nhân và kẻ xâm hại hiểu hoặc nói với đứa trẻ rằng không ai thấu hiểu chúng bằng “kẻ chăn dắt”/kẻ xâm hại).
  • Đe dọa, tống tiền, hăm dọa hoặc làm trẻ sợ hãi bằng cách nói rằng “người chăn dắt” sẽ làm điều gì đó với gia đình hoặc bạn bè của bé.
Xâm hại tinh thần trẻ em (12)

Là bất kỳ hình thức ngược đãi nào là căn nguyên dẫn đến các tác động tiêu cực, gây tổn hại cho sự phát triển tâm lý hoặc danh dự, nhân phẩm của trẻ. Nó có thể bao gồm nhưng không giới hạn ở hành vi lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi, bỏ rơi, bỏ mặc, kiểm soát hành vi, dụ dỗ  hoặc kết thân nhằm mục đích lạm dụng tình dục (chăn dắt tình dục – child grooming), tống tiền, đe dọa bằng lời nói và/hoặc lăng mạ, hoặc mắng nhiếc đứa trẻ cũng như các hành vi cố ý khác gây tổn hại về tinh thần của trẻ em.

Xâm hại thể chất trẻ em (13)

Là việc sử dụng sức mạnh thể chất theo một cách không phải ngẫu nhiên hay do tai nạn hoặc, điều mà vô tình hoặc cố ý mà do đó gây ra thương tổn tích thực tế hoặc có nguy cơ tiềm ẩn gây ra thương tích hoặc tổn thương cho trẻ em. Các tác động vật lý bao gồm nhưng không giới hạn ở hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; việc đánh, lắc, đá, véo, đẩy, kéo, túm, đốt, cắt bộ phận sinh dục nữ không vì lý do y tế (14), tra tấn và các hành vi bạo lực thể chất khác. Các thương tổn tích hoặc chấn tổn thương về thể chất có thể bao gồm nhưng không giới hạn ở vết bầm tím, vết hằn, sưng tấy mô mềm, tụ máu, gãy xương, bong gân, trật khớp, bỏng, tổn thương các cơ quan, tử vong, biến dạng vĩnh viễn và bất kỳ thương tích hoặc tổn thương vật lý không hề nhỏ khác.

TUYÊN BỐ BẢO VỆ TRẺ EM CỦA VCF SE

  1. VCF SE cam kết cung cấp một môi trường an toàn cho trẻ em bằng cách đảm bảo tất cả Khách Mời và Nhân Viên, Người Đại Diện của VCF SE tuân theo những quy tắc ứng xử cao, thực thi các chính sách và thủ tục để ngăn ngừa và ứng phó với bất kỳ Hành Vi Bị Cấm nào. 
  2. VCF SE nghiêm cấm tất cả Khách Mời và Nhân Viên, Người Đại Diện của VCF SE thực hiện bất kỳ Hành Vi Bị Cấm nào tại Chính Sách này hoặc các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định pháp luật . 
  3. Tất cả Khách Mời và Nhân Viên, Người Đại Diện của VCF SE cần nghiêm chỉnh chấp hành và tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật bảo vệ trẻ em và Chính Sách Phúc Lợi Cho trẻ em, bao gồm nhưng không giới hạn tại Luật số: 102/2016/QH13 – Luật Trẻ em 2016 và Công ước của Liên Hợp Quốc về Quyền trẻ em. (15)
  4. Khách Mời và Nhân Viên, Người Đại Diện của VCF SE cùng thực hiện các dự án phải thực hiện các phương pháp nhằm loại bỏ Hành Vi Bị Cấm do chính họ hoặc người khác gây ra. Ví dụ về các biện pháp đó bao gồm hạn chế sự tương tác không được giám sát với trẻ em và ngăn cấm việc cho trẻ em tiếp xúc với nội dung khiêu dâm hoặc hạn chế việc ở một mình cùng trẻ em. 
  5. VCF SE không dung thứ cho bất kỳ sự tham gia không được ủy quyền (một cách trái phép), dù các bên có hành vi trái phép đó có liên quan hoặc không liên quan đến công việc của VCF SE, về các vấn đề có sự tham gia của trẻ em trên mạng xã hội. Bất kỳ trẻ em nào được giới thiệu trong các chiến dịch, sự kiện hoặc các hoạt động truyền thông và gây quỹ của VCF SE sẽ chỉ được xác định bằng tên và nơi sinh sống (cấp tỉnh) của trẻ em đó, và chi tiết liên hệ hoặc vị trí hoặc họ của trẻ sẽ không được tiết lộ. Khách Mời và Nhân Viên, Người Đại Diện của VCF SE phải tuân thủ các chính sách của VCF SE, quy định pháp luật và quy định hiện hành liên quan đến việc chụp ảnh hoặc quay phim trẻ em. Đảm bảo luôn có sự cho phép của cha mẹ hoặc người giám hộ cho việc chụp ảnh/quay phim hoặc sử dụng, công khai các dữ liệu về trẻ em trong tương lai.
  6. Nghiêm chỉnh chấp hành quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân của trẻ em.

HẬU QUẢ CỦA VI PHẠM

  1. Tất cả Nhân Viên và Người Đại Diện của VCF SE được yêu cầu thông báo hoặc tố giác cho ban lãnh đạo, bộ phận nhân sự và Tổng giám đốc VCF SE ngay lập tức về bất kỳ hành vi vi phạm hoặc nghi ngờ vi phạm Chính Sách này. Trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo hoặc tố giác, các bên sẽ họp mặt để xác định tính hợp lệ của thông báo hoặc tố giác và lộ trình xử lý tiếp theo nếu thông báo hoặc tố giác đó có giá trị. Biện pháp khắc phục hậu quả sẽ được cấp quản lý cao nhất thực hiện ngay lập tức. Mọi thông tin, thông báo, tố giác trong quá trình tiếp nhận, xác minh hoặc trao đổi thông tin phục vụ cho việc bảo vệ trẻ em phải được bảo mật vì lợi ích, sự an toàn của người cung cấp thông tin và vì lợi ích tốt nhất của trẻ em có liên quan.
  2. Tất cả Khách Mời, Nhân Viên và Người Đại Diện của VCF SE có trách nhiệm thông báo cho Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em; hoặc cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội các cấp; hoặc cơ quan công an các cấp; hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã, để đảm bảo sự an toàn cho trẻ, hoặc ngăn ngừa tổn hại trong tương lai nếu bất kỳ bên nào tin rằng đã có bất kỳ vi phạm nào đó về pháp luật và cần có sự can thiệp ngay lập tức, bất kể người vi phạm đó có liên quan tới VCF SE hay không. 
  3. VCF SE sẽ điều tra và làm rõ tất cả các báo cáo nghi ngờ đối với bất kỳ Hành Vi Bị Cấm nào và thực hiện các biện pháp xử lý thích hợp bao gồm nhưng không giới hạn ở việc thông Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em; hoặc cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội các cấp; hoặc cơ quan công an các cấp; hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã, và hợp tác với việc điều tra và truy tố tội phạm.
  4. VCF SE nghiêm cấm việc trả đũa với bất kỳ Khách Mời hoặc Nhân viên, Người Đại Diện nào của VCF SE đã tố giác về nghi ngờ đối với Hành Vi Bị Cấm theo Chính Sách này. Khách Mời hoặc Nhân viên, Người Đại Diện của VCF SE tham gia vào bất kỳ hình thức trả đũa nào đối với những người tố giác nghi ngờ đối với Hành Vi Bị Cấm theo Chính Sách này, sẽ phải chịu trách nhiệm đối với hành vi của mình và bị áp dụng các biện pháp xử lý phù hợp, lên đến và bao gồm cả việc báo cáo vi phạm cho cơ quan thực thi pháp luật, chấm dứt quan hệ lao động, hoặc chấm dứt bất kỳ liên hệ công tác nào trong tương lai với VCF SE hoặc áp dụng cùng lúc tất cả những hình thức kể trên. 
  5. Khách Mời hoặc Nhân viên, Người Đại Diện của VCF SE thực hiện Hành Vi Bị Cấm hoặc không thông báo, tố giác nghi ngờ về Hành Vi Bị Cấm theo Chính Sách này, đều có khả năng bị áp dụng các biện pháp xử lý phù hợp, lên đến và bao gồm cả việc chấm dứt quan hệ lao động ngay lập tức hoặc chấm dứt bất kỳ sự liên quan nào trong tương lai với VCF SE. 
  6. VCF SE sẽ bằng mọi nỗ lực trong phạm vi có thể của chúng tôi để đảm bảo rằng tất cả các Khách Mời hoặc Nhân viên, Người Đại Diện của chúng tôi không có tiền sử đối với Hành Vi Bị Cấm. Nếu một người được phát hiện có bất kỳ tiền sử nào về hành vi nói trên thì đây là cơ sở để chấm dứt bất kỳ mối quan hệ nào đã, đang hoặc sẽ có với VCF SE. 
  7. Cáo buộc phải trung thực và không có tính chất trả thù cá nhân. Mọi hành vi lạm dụng hoặc cố ý bôi nhọ sau khi được điều tra và làm rõ sẽ phải chịu các hình thức kỷ luật tương ứng với tính chất và mức độ thiệt hại về danh dự của nạn nhân, bao gồm nhưng không giới hạn việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc chấm dứt bất kỳ liên kết nào trong tương lai với VCF SE, và các hệ quả pháp lý khác nếu có.

Chính Sách này đã được Tổng Giám đốc của Công ty TNHH Doanh nghiệp Xã hội Vietnam Children’s Fund xem xét và phê duyệt.

(1) Một khi Khách Mời đồng ý xác nhận tham gia các chương trình của chúng tôi dưới bất kỳ hình thức nào, điều đó đồng nghĩa với việc Khách Mời đã nhận thức đầy đủ tất cả nội dung và cam kết tuân thủ chính sách này của chúng tôi, mà đã được công bố và đăng tải công khai, bao gồm nhưng không giới hạn trên website của chúng tôi.

(2) Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền Trẻ em ngày 20 tháng 11 năm 1989 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Việt Nam đã phê chuẩn Công ước này vào ngày 20 tháng 2 năm 1990.

(3) Khoản 1 Điều 4 Luật Trẻ em 2016

(4)  Điều 2.4 Nghị định 13/2023/NĐ-CP

(5) Điều 4.5 Luật Trẻ em 2016. 

(6) Khoản 8 Điều 4 Luật Trẻ em 2016

(7)  Điều 3.3 Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP

(8) Điều 3.4 Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP

(9) Khoản 9 Điều 4 Luật Trẻ em 2016

(10) Khoản 7 Điều 4 Luật Trẻ em 2016

(11) Là người đảm nhận nhiệm vụ chăm sóc trẻ bao gồm nhưng không giới hạn ở bố mẹ, người nhận chăm sóc thay thế.

(12) Khoản 6 Điều 4 Luật Trẻ em 2016

(13) Khoản 6 Điều 4 Luật Trẻ em 2016

(14) Female genital mutilation (FGM)

(15) Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền Trẻ em là một trong những chế định quy định đầy đủ các về quyền của Trẻ Em và là hiệp ước quốc tế về nhân quyền được phê chuẩn áp dụng rộng rãi trên thế giới.

Đã thêm sản phẩm vào giỏ hàng
Đã lưu lại số tiền ủng hộ thêm