Tại Việt Nam, mỗi năm có thêm khoảng 2.500 trẻ em dưới 19 tuổi được chẩn đoán ung thư, nằm trong 40.000 trẻ em đang phải trải qua điều trị ung thư. Tại các nước có thu nhập cao, hơn 80% trẻ em mắc bệnh ung thư được chữa khỏi. Trong khi đó, tỉ lệ chữa khỏi cho bệnh nhi ung thư tại các nước có thu nhập trung bình và thấp, bao gồm Việt Nam, chỉ dưới 30% (theo Tổ chức Y tế Thế giới). Với ung thư nói chung, đặc biệt là ung thư trẻ em, việc phát hiện bệnh sớm và được điều trị hiệu quả là vô cùng quan trọng nhằm tăng cơ hội và khả năng chữa khỏi. Tuy nhiên, ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, hơn 50% trẻ ung thư được chẩn đoán ở giai đoạn muộn, không được điều trị đầy đủ khiến sự sống của các em càng trở nên mong manh. Hơn nữa, các cơ sở điều trị chuyên khoa, các chuyên gia y tế chuyên ngành ung thư ở trẻ em luôn ở trong tình trạng thiếu hụt, đặc biệt ở khu vực nông thôn.
Theo Bệnh viện K tại Hà Nội, chi phí điều trị trung bình của một bệnh nhân ung thư được thống kê dao động trong khoảng 176 triệu đồng/năm. Đối với các ca nặng hay phức tạp, chi phí điều trị có thể tăng gấp nhiều lần. Với trẻ em, dù được BHYT hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần, chi phí điều trị vẫn là gánh nặng tài chính quá lớn đối với gia đình các em. Nhiều gia đình nghèo không đủ khả năng chi trả viện phí đã từ bỏ điều trị, chỉ quay trở lại bệnh viện khi tình trạng sức khỏe của trẻ đã trầm trọng hơn và đã ở giai đoạn 3 hoặc 4.